Thực Trạng Ngành Đúc gang thép Việt Nam

Thực Trạng Ngành Đúc gang thép Việt Nam

Trên thế giới, cuộc cách mạng về máy tính điện tử đã có tác động lớn vào nền sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu hiện đại, công nghệ thông tin (CNTT) đã được ứng dụng rộng rãi, để nhanh chóng chuyển đổi các quá trình sản xuất theo kiểu truyền thống sang sản xuất công nghệ cao (CNC); nhờ đó các giai đoạn thiết kế và chế tạo khôn mẫu từng bước được tự động hoá. (CAD/CAM – trong đó: CAD là thiết kế với sự trợ giúp của máy tính điện tử; CAM là sản xuất với sự trợ giúp của máy tính điện tử, còn được gọi là gia công điều khiển số). 

Từ một năm nay liên tiếp có tin nhiều khu gang thép được cấp phép đầu tư và liên tiếp có báo động sẽ có thừa công suất gang thép. Trong bài này chúng tôi xin trình bày những cơ sở lý luận dẫn tới một chiến lược sản xuất gang thép ở Việt Nam. 

Một chút kỹ thuật

 Để có thép sản phẩm cuối cùng từ quặng sắt có hai cách : chế tạo gang từ quặng sắt trong lò cao hay khử oxy trực tiếp.

Nếu chế tạo thép từ quặng sắt thì phải nghiền quặng và than thành bột, trộn quặng với than coke rồi đốt than trong một lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C. Ở nhiệt độ đó, sắt chảy lỏng thành gang, nghĩa là sắt với một dung dịch cacbon của than. Để khử cacbon xuống tới  độ  cacbon của thép thì người ta đổ gang lỏng vào một nồi lò và thổi khí oxy để đốt cacbon có thừa. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ than và sinh ra xỉ, khí dioxyd cacbon và nhiều bụi.

Nếu chế tạo thép bằng phương pháp khử oxy trực tiếp thì người ta gây ra một hồ quang để nung chảy trong một nồi lò quặng sắt có hàm lượng sắt trên 60 phần trăm hay sắt vụn. Quy ra sản lượng thép phương pháp này ô nhiễm tương đối ít hơn và dùng tương đối ít năng lượng hơn vì không có những khâu nghiền quặng và nghiền than. Ngoài ra phần lớn năng lượng tiêu thụ là điện năng.

Cả hai phương pháp tạo ra thép lỏng thô.

Người ta đổ thép lỏng vào một lò phản ứng ở nhiệt độ 1.200°C đến 1.800°C, trộn với những kim loại phụ gia để có hợp kim thép đúng theo yêu cầu của khách hàng. Khâu này gọi là khâu tinh luyện. Sau khi đạt được hợp kim có đặc tính hóa học thích hợp người ta đúc liên tục hợp kim hãy còn lỏng vào khuôn để có những phôi với mặt cắt hình chữ nhật hay hình tròn. Khâu này ô nhiễm khí quyển khá nhiều và tiêu thụ nhiều năng lượng dưới dạng điện và khí đốt hay dầu. Nhưng quy ra sản lượng thép thì gây ra ít ô nhiễm và tiêu thụ ít năng lượng hơn là khâu chế tạo thép lỏng thô.

Khi thép nguội tới nhiệt độ khoảng 800°C, người ta cán những phôi thành những tấm hay những thanh có hình dáng và kích thước gần bằng những sản phẩm cuối cùng. Khâu này gọi là khâu cán nóng. Trong quy trình cán nóng hay sau quy trình đó, người ta có thể nung ram lại những phôi để thép đạt được những đặc tính cơ học mong muốn. Khâu này gây ra ô nhiễm khí quyển và tiêu thụ năng lượng dưới dạng điện và khí đốt hay dầu. Quy ra sản lượng thép thì gây ra ít ô nhiễm và tiêu thụ ít năng lượng hơn là khâu tinh luyện.

Sau khi để phôi thép nguội tới nhiệt độ chung quanh, người ta cán lại thành những tấm hay thanh sản phẩm cuối cùng. Khâu này gọi là khâu cán nguội. Thực ra khâu này thuộc ngành cơ khí. Do đó, quy ra sản lượng thép khâu này tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm tương tự như một quy trình cơ khí.

Người ta có thể xây dựng một tổ hợp gang thép bao gồm tất cả những khâu kể trên. Nhưng người ta cũng có thể :

  • mua thép thô rồi làm lỏng lại để sản xuất những tấm và thanh thép sản phẩm cuối cùng từ khâu tinh luyện thép,

  • mua những thoi thép đã được tinh luyện để sản xuất những tấm và thanh thép sản phẩm cuối cùng từ khâu cán nóng,

  • mua những phôi thép để cán nguội thành những tấm và thanh thép sản phẩm cuối cùng.

Khởi đầu sản xuất từ dạng thép gần sản phẩm cuối cùng bao nhiêu thì, quy ra sản lượng thép, sẽ ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng ít bấy nhiêu. Vì thế mà khi nghiên cứu một dự án thì phải biết sẽ khởi đầu sản xuất thép kể từ khâu nào. Cộng công suất thép của những dự án khác nhau là không có ý nghĩa gì cả khi thiết kế một chiến lược cho ngành gang thép. 

Những lý do phải sản xuất thép ở Việt Nam

(a) Thỏa mãn nhu cầu quốc nội

Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Thép dự báo nhu cầu thép sẽ là như sau :
 

(triệu tấn \ năm)

2010

2015

2020

2025

Chính phủ

10 - 11

 

 

24 - 25

Hiệp hội Thép

10

15

20

 

Theo USGS (U.S. Geological Survey, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa kỳ) thì sản lượng do những cơ sở gang thép ở nước ta là :

(tấn)

2002

2006

Gang

146.000

300.000

Thép thỏi

409.000

1.000.000

Thép cán

2.503.000

4.000.000

Theo những số liệu đó thì sản lượng gang thép nội địa chưa thỏa mãn được nhu cầu của kinh tế. Nếu kết cấu kinh tế tương lai sẽ tạo ra nhu cầu dự báo và nếu nhất thiết phải dùng thép sản xuất ở Việt Nam thì chúng ta cần phải tăng cường mạnh khả năng sản xuất.

(b) Tận dụng tài nguyên mỏ

Nguyên liệu cơ bản của ngành gang thép là quặng sắt, than coke và năng lượng điện.

Về điện thì hiện nay chúng ta thiếu công suất. Trước mắt chúng ta đang phải nhập khẩu điện và không có tài chính để lắp ráp thêm công suất đáp ứng nhu cầu. Trừ khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ồ ạt vào những cơ sở sản xuất điện, những nhà máy gang thép tương lai sẽ không có điện để chạy.

Về than thì ở miền Bắc và miền Trung có lải rải vài mỏ than và mỏ sắt. Mỏ sắt và mỏ than không xa nhau mấy. Tỉnh Quảng Ninh là vùng mỏ than lớn, nhưng đó là than anthracit chỉ dùng để đốt thành năng lượng nhiệt. Một bể mỏ than ở Hưng Yên vừa được khám phá, nhưng chưa biết rõ trữ lượng và loại than nào. Ở Thái Nguyên và gần biên giới Việt Trung có một vài mỏ than coke nhỏ.

Về quặng sắt thì cũng lải rải có vài mỏ sắt. Mỏ tương đối quan trọng ở Thái Nguyên. Ở Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng mỏ có vẻ quan trọng vừa được phát hiện. Thỉnh thoảng một vài địa phương phát hiện thêm một mỏ khoáng vật cần được định giá thêm.

Bờ bể nước ta có nhiều nơi để xây hải cảng đủ sâu để tàu mang nhiên liệu, than coke và quặng sắt từ nước ngoài cập bến. Vậy chúng ta có thể tận dụng những tài nguyên mỏ eo hẹp của chúng ta và bổ túc bằng cách mua từ nước ngoài những nguyên liệu chúng ta thiếu để chạy những nhà máy gang thép xây trên lãnh thổ nước ta.

(c) Tận dụng nguồn nhân lực

Điểm tới hạn của một nhà máy gang thép phải tính đến một triệu tấn mỗi năm. Nhưng điểm tới hạn của một nhà máy chỉ cán thép theo nhu cầu có thể xuống tới 20.000 tấn mỗi năm.

Một nhà máy gang thép cần đến rất nhiều nhân công. Có tổ hợp lên đến một hai vạn người. Nhưng số nhân công lớn đó là do tầm vóc của nhà máy. Nếu lấy tỷ lệ một nhân công của một nhà máy gián tiếp mang lại việc làm cho mười người khác và một người đi làm nuôi hai người khác thì một tổ hợp gang thép sẽ nuôi sống hai mươi vạn đến hơn nửa triệu người.

Nhưng một tổ hợp lớn cũng chỉ cần đến khoảng một trăm cán bộ quản lý và kỹ thuật còn những người khác chỉ cần biết đọc biết viết và một vài ngày huấn luyện là đủ. Như vậy có nghĩa là một nhà máy gang thép tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng tham gia ít vào việc thành lập một xã hội tri thức.

Những cản trở của ngành gang thép Việt Nam

(a) Ô nhiễm

Trong số những ngành công nghiệp, ngành gang thép là ngành ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.

Chọn khai triển ngành gang thép là chọn gia tăng ô nghiễm môi trường và gia tăng nhu cầu năng lượng. Một tổ hợp sản xuất càng sáp nhập nhiều khâu sản xuất ở mạn ngược chu trình chế biến bao nhiêu thì càng ô nhiễm môi trường và càng tiêu thụ năng lượng bấy nhiêu.

(b) Thiếu vốn đầu tư

Công nghiệp gang thép thuộc loại công nghiệp nặng nên có cường độ tư bản cao, có thể nói là cường độ tư bản cao nhất trong số những ngành công nghiệp nặng. Như viết ở trên, so với những cơ sở công nghiệp khác, nhà máy gang thép khác có điểm tới hạn cao. Suy ra ngành gang thép cần đến rất nhiều vốn.

Về vốn đầu tư thì chúng ta vẫn đang phải gọi vốn nước ngoài dưới mọi hình thức để khai triển mọi ngành công nghiệp. Ngành gang thép tiêu thụ nhiều điện. Hiện nay chúng ta vẫn phải chịu cảnh bị cắt điện tràn lan mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam thiếu vốn để đầu tư giải quyết nạn này. Chúng ta không có vốn để xây những nhà máy điện dành riêng cho ngành gang thép. Đó là chưa kể đến những hạng mục nghiền quặng, nghiền than, lò cao, lò luyện thép, các xưởng cán nóng cán nguội và các phương tiện thuyên chuyển.

Vậy nếu muốn khai triển ngành gang thép thì chúng ta không có cách nào khác hơn là phải kêu gọi những xí nghiệp gang thép và ngân hàng quốc tế đầu tư. Có người chê rằng có những tập đoàn tài chính không có kinh nghiệm về gang thép cũng đệ đơn. Điểm này không quan trọng mấy. Nếu có tiền thì thuê chuyên gia cần thiết. Những ngân hàng đầu tư quốc tế quen làm như vậy và đã thành công.

(c) Thị trường bất ổn

Thép là một sản phẩm cơ bản (commodity) thiết yếu cho mọi ngành công nghiệp. Như mọi sản phẩm thiết yếu giá thị trường quốc tế lên xuống mau vì đầu cơ. Như mọi sản phẩm cơ bản, nhu cầu và khả năng sản xuất của thế giới biến đổi theo chu kỳ. Trong số những ngành công nghiệp, ngành gang thép là ngành có thị trường bất ổn nhất, bất ổn hơn là thị trường dầu khí.

Với một điểm tới hạn cao, với cường độ tư bản cao, một tổ hợp gang thép chỉ có thể là một cơ sở lớn với vốn cố định khổng lồ. Ngoài ra, một khi đã đầu tư rồi thì vốn sẽ bị cầm chân trong cả chục năm, có thể đến hơn nửa thế kỷ. Bây giờ giá thép niêm yết cao. Nhưng nếu thị trường thế giới đổi chiều một chút là sẽ có nhiều xí nghiệp gang thép gặp khó khăn. Theo các chuyên gia về thị trường gang thép thì những công ty sản xuất dưới 10 triệu tấn thép mỗi năm sớm muộn sẽ phá sản hay sáp nhập vào một tập đoàn lớn hơn.