Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, tổ chức ngày 24-9 ở Hà Nội.
Nhìn lại tổng thể ngành cơ khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận năng lực của ngành cơ khí còn thấp, nhiều hạn chế và đáng lo ngại khi có dấu hiệu phát triển chậm. Dẫn chứng về việc này, Phó Thủ tướng cho biết hiện tại ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm trong nước, còn thiếu các thương hiệu sản phẩm cơ khí nội địa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết giá trị doanh thu thuần sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí là khá thấp so với toàn ngành chế biến, chế tạo và có xu hướng giảm qua các năm. Trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác lạc hậu so với nhiều nước từ 2 đến 3 thế hệ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá Việt Nam chưa có các DN cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành, chủ yếu vẫn là DN quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. "Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu" - người đứng đầu ngành công thương chỉ rõ thực trạng.
Nhiều DN cơ khí đã kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành này. Theo đó, cần có "bàn tay" hỗ trợ của nhà nước, định hướng hợp lý trong bối cảnh ngành đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, đặc biệt lại là ngành yêu cầu cao về chuyên môn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra chiến lược để giữ thị trường nội địa cho DN trong nước phát triển.
Ông Nguyễn Thể Hà, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, đề xuất đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho ngành nông nghiệp để khẳng định Việt Nam có đủ năng lực để làm cơ khí nông nghiệp.
Ghi nhận những kiến nghị của cộng đồng DN và các đơn vị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tháng 11 tới sẽ có nghị quyết với những giải pháp, chính sách tốt hơn cho ngành cơ khí với tầm nhìn đến năm 2035. Thủ tướng đặt vấn đề hiện nay, một số địa phương bỏ hẳn ngành cơ khí, không tập trung làm trọng điểm ở từng địa phương để đưa ngành phát triển. Từ thực tế này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ "quyết chiến" để đưa cơ khí Việt Nam vươn lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xác định phân khúc thị trường trong và ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô, đặc biệt là thuế và lãi suất cho ngành cơ khí phát triển. Đồng thời, tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó nhà nước đóng vai trò "bà đỡ" cho DN. Nhằm tạo điều kiện cho DN cơ khí, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách để DN Việt tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước.
Người đứng đầu Chính phủ tán thành với ý kiến của đại biểu về việc phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp. Theo đó, cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến nhằm giúp giảm lao động, tăng năng suất. Nhắc lại tỉ lệ DN Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Thủ tướng cho rằng cần phát triển hệ sinh thái ngành cơ khí, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Về phía các DN, Thủ tướng kỳ vọng lực lượng này sẽ chủ động hơn trong đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng tính cạnh tranh để phát triển ngành cơ khí.
Minh Chiến